"Dù ai buôn bắc bán đông, Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên"

Latest News

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Hưng Yên – Xứ nhãn lồng

Có ai đến Hưng Yên
Thăm giùm tôi vườn nhãn
Trái nhãn no tròn, ngọt ngào, thơm mát
Loại nhãn tiến Vua
Tuyệt vời đặc sản
Mưa chiều, nắng sáng
Hương nhãn len vào từng cánh phổi, buồng tim
Dưới trời xanh
Vườn nhãn đứng cười duyên
Khoe chùm quả thơm ngon căng đầy mật
Tôi yêu quê
Nên yêu từng mạch đất…
(Hương nhãn Hưng Yên - Ngô Minh Hằng)


Yêu làng quê mình, người Hưng Yên đâu chỉ yêu cây đa, bến nước, sân đình vốn đã trở thành biểu tượng đặc trưng của bao miền quê Bắc Bộ, mà có lẽ sâu sắc nhất và dấu ấn riêng về tình yêu Hưng Yên chính là tình cảm dành cho trái nhãn lồng ngọt lịm đầu môi. Sinh ra trên mảnh đất Hưng Yên, cái chưa đi đã nhớ, chưa về đã thương của người xa quê từ xa xưa đã được ông cha ta khẳng định: “Dù ai buôn Bắc bán Đông/Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên” (Ca dao). Bởi, thông thường người tha hương nhớ về những gì được coi là đặc trưng nhất của vùng quê mình: “Quê ta quê của tình thương/ Quê ta quê của vị hương nhãn lồng”; “Bình minh trên dải sông Hồng/ Sum suê bóng nhãn mượt đồng đay xanh” (Ca dao). Trở về Hưng Yên vào đúng mùa nhãn, chúng ta mới thấy hết được sức sống mạnh mẽ của nhãn và tình cảm sâu nặng của con người nơi đây đã bao đời gắn bó với nhãn.
Nhãn ra hoa đúng vào mùa xuân còn quả chín vào tháng sáu âm lịch vì thế, ca dao có câu “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm…”. Đi giữa hai hàng nhãn trĩu nặng trái vào “tháng nhãn” (chữ của Vũ Bằng), hương nhãn thơm mát tỏa ra như đưa ta ngược dòng thời gian trở về những miền ấu thơ. Thuở nhỏ, dưới tán nhãn xòe ra như một cây nấm cổ thụ, ta thường tập tụ nô đùa và nở những nụ cười khoái chí, hồn nhiên, những tiếng reo hò tinh nghịch như pháo rang làm rộn ràng một khoảng trời thơ. Rồi, sau những trận mưa trút, mấy người bạn thân cùng rủ nhau đi nhặt những trái nhãn rụng. Nhặt những trái nhãn chín mọng dưới tán cây nhãn, thỉnh thoảng những giọt mưa còn đọng lại trên lá rơi xuống mà cứ ngỡ nhãn rụng... Nhãn như người bạn cùng ta lớn lên từng ngày. Nhãn gắn bó mật thiết với tuổi thơ ta như bóng với hình.
Xanh mát con đường xưa ấy
Nhãn lồng trĩu nặng đôi bờ
……………………………
Bên nhau con đường xưa ấy
Bao năm sâu nặng ân tình
Gió mới hương đồng ngào ngạt
Ngát thơm mùa nhãn quê mình.
(Hương xưa - Phạm Dụng)
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Hưng Yên một sản vật quý không nơi nào có được mà mỗi khi nhắc đến, mọi người không thể không nói tới nhãn lồng Hưng Yên. Hưng Yên -  “vương quốc nhãn lồng” - đã trở thành một thương hiệu “độc quyền” mang nét đặc trưng, là hơi thở và niềm tự hào của đất và người nơi đây. Nhiều thi sĩ đất Hưng Yên lòng chứa chan niềm tự hào cất lên lời thơ thiết tha mời mọc du khách gần xa về thưởng thức trái nhãn – sự kết hợp tuyệt vời giữa tình của đất và tinh hoa của trời:
Mời anh về thăm quê tôi
Bên dòng sông Hồng phù sa đỏ mịn
Rặng nhãn bờ đê tắm mình trong nắng
Nghe vang nhịp chèo câu hát à ơi...
(Hưng Yên quê tôi – Vũ Văn Toàn)

Về Hưng Yên...
Sông Hồng ôm bãi ngô xanh
Đê dài lượn khúc quanh quanh
Nhãn thơm quả chín trĩu cành
(Đường về Hưng Yên – Nguyễn Hàn Dụng)
Miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, miền xuôi hay miền ngược, trung du hay đồng bằng, đâu đâu cũng có nhãn, nhưng chỉ có giống nhãn Hưng Yên mới ngọt vị, thơm hương. Nhãn Hưng Yên có nhiều loại: nhãn thóc, nhãn nước, nhãn đường phèn... loại nào cũng thơm, ngon, song nổi tiếng nhất vẫn là nhãn lồng. Nhãn lồng Hưng Yên chứa đựng thứ hương thơm dịu nhẹ, tinh khiết hòa quyện với vị ngọt đậm đà của mật nhãn và độ giòn dai của thịt nhãn. Nhà bác học Lê Qúy Đôn đã từng mô tả về hương vị của nhãn: “mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong kẽ răng, lưỡi nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”. Ca dao có câu “Nhãn lồng bổ ngập dao phay/Gà con xuống ổ bảy ngày cân tư”. Năm Minh Mạng thứ 11, nhân dân Hưng Yên đã chọn trái nhãn lồng vào Kinh đô để tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua. Thứ sản vật quý ấy nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trở thành loại hàng hóa đặc biệt theo chân các nhà thương lái đến xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản với số lượng lớn ở thế kỷ XVI – XVII. Sự thơm ngon quyến rũ lạ kỳ của nhãn lồng Phố Hiến đã trở thành cầu nối để trai gái gặp gỡ trao duyên:
Hỡi cô yếm thắm giải là,
Mua dăm túm nhãn làm quà đi em.
Nhãn này chính nhãn đường phèn,
Ăn vài quả nhãn sẽ quên đường về

(Ca dao)
Về Hưng Yên - mảnh đất ngàn năm, nơi diễn ra mối tình đẹp như mơ, như mộng giữa công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Đồng Tử - du khách không chỉ được thưởng thức “Rượu ngon nghiêng trời Lạc Đạo/ Dưa hồng khát giọng Đình Cao/ Gà to lừng danh Đông Tảo/ Táo quê Thiện Phiến ngọt ngào” (Đường về Hưng Yên - Nguyễn Hàn Dụng) mà còn được cùng em vào vườn nhãn “Quả sai, vỏ mỏng vị thơm” (Nhãn muộn – Hoàng Thế Dân) để rồi đọng lại trong lòng du khách một nỗi nhung nhớ về miền quê hương sắc ngọt ngào./.

  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: Hưng Yên – Xứ nhãn lồng Description: Rating: 5 Reviewed By: Unknown
Scroll to Top